Nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tính năng động và khả năng thích nghi với nền kinh tế và thị trường việc làm luôn thay đổi, ngày 02/11/2017, Trường ĐHCT phối hợp Trường Đại học Bang Arizona, Hoa Kỳ và Viện Khoa học và Đổi mới Công nghệ thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về Giáo dục đại học STEM cho sự phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị nhận được sự quan tâm của nhiều học giả, giảng viên, cán bộ quản lý và doanh nghiệp từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Indonesia, Anh Quốc và Việt Nam.

 

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 12/2/2014, ĐBSCL đặt mục tiêu trở thành vùng kinh tế trọng điểm với mức phát triển cao theo kịp các vùng kinh tế dẫn đầu khác của đất nước, hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế khu vực và quốc tế. Để thực hiện hóa mục tiêu đó, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực có trình độ khoa học công nghệ là vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc ưu tiên phát triển các ngành đào tạo liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) ở các bậc cao đẳng và đại học là bước đi thiết thực để cung ứng nguồn nhân lực lành nghề và có trình độ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT chia sẻ, với vị thế là trường đại học trọng điểm ở ĐBSCL, Trường ĐHCT đã có những bước tiến dài trong chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế. Những năm qua, Nhà trường đã tích cực đổi mới và phát triển không ngừng về cơ chế tiếp cận lẫn chất lượng trong đào tạo. Riêng các chuyên ngành STEM được đầu tư trọng tâm, bài bản và hiện đại với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập, nghiên cứu hoàn thiện và chương trình đào tạo ngày càng tiếp cận với xu hướng của thế giới. Trong đó, 2/3 chương trình đào tạo tiến tiến đã được công nhận đạt chuẩn quốc tế AUN-QA cũng thuộc lĩnh vực STEM. Trường ĐHCT còn là điểm đến uy tín của nhiều dự án quốc tế đầu tư vào các chương trình đào tạo STEM thuộc các lĩnh vực Nông nghiệp, Thủy sản, Môi trường. Đây chính là nền tảng vững chắc và là tiền đề để Nhà trường tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của vùng trong thời gian tới.

Hội thảo đã diễn ra phiên toàn thể với hai báo cáo chính về giáo dục đại học STEM ở Hoa Kỳ và những gợi ý ứng dụng cho Việt Nam, và giáo dục đại học STEM: Góc nhìn từ các đối tác doanh nghiệp, cùng với 06 phiên tiểu ban với 23 bài tham luận về các chủ đề: Phát triển chương trình giáo dục STEM, thúc đẩy sự hợp tác trường đại học-doanh nghiệp nhằm đáp ứng cho sự phát triển của ĐBSCL, đảm bảo chất lượng của các chương trình STEM: Nâng cao chất lượng và trách nhiệm giải trình, các chương trình đào tạo STEM trực tuyến, chính sách nghiên cứu và đổi mới trong các chương trình STEM, và đào tạo giáo viên cho giáo dục STEM ở cấp trung học. Các tham luận, các nghiên cứu đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc về giáo dục đại học STEM để phát triển kinh tế xã hội không chỉ của vùng ĐBSCL mà của cả nước.

Bên cạnh việc tạo điều kiện để thúc đẩy nghiên cứu và nâng cao hiểu biết về vai trò của lĩnh vực giáo dục đại học STEM, Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu và quản lý cùng đánh giá và phân tích thực trạng, những điểm mạnh và những thách thức của giáo dục STEM ở ĐBSCL nói chung để từ đó có những khuyến nghị chính sách thiết thực định hướng cho sự phát triển giáo dục đại học STEM cho vùng trong thời gian tới. 

(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)

Thông báo mới*

Cựu sinh viên

Khoa Sư Phạm -  Trường Đại học Cần Thơ.

Địa chỉ: Khu 2 Đại học Cần Thơ, đường 3/2, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Điện thoại & Fax: (0292)3830261.

Email: ksp@ctu.edu.vn.