Vinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.x

Hòa chung trong không khí thi đua sôi nổi của tuổi trẻ cả nước ta đang ra sức lập thành tích chào mừng kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 –26/3/2018) và hướng tới chào mừng kỷ niệm 52 năm ngày thành lập Trường Đại học Cần Thơ (31/3/1966 – 31/3/2018);

Được sự cho phép của Đảng ủy – Ban chủ nhiệm Khoa Sư phạm. BCH Đoàn Khoa tổ chức "Hội trại truyền thống 26-3" từ ngày 31/03/2018 đến ngày 01/04/2018. Thông qua việc tổ chức các hoạt động của Hội trại, nhằm tuyên truyền giáo dục và khơi dậy lòng tự hào của tuổi trẻ và truyền thống vẻ vang của  Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Hội trại Khoa Sư phạm lần này với quy mô 30 lều trại với sự tham gia của hơn 2.000 trại sinh. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đoàn viên – thanh niên và sinh viên, qua đó tạo không khí thi đua, giao lưu sôi nổi, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, bổ ích trong đoàn viên - thanh niên tiến tới lập thành tích chào mừng kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa các chi đoàn trong toàn Khoa. Và cũng là dịp để sinh viên giao lưu, thư giãn nhằm kích thích tinh thần học tập hăng say, phát huy sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và tinh thần xung kích tình nguyện xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Ngay sau lễ khai mạc, các tiểu trại bước vào các hoạt động vui chơi, thi đua và giao lưu với tinh thần vui tươi, sôi nổi. Các trại sinh đều được trải nghiệm các nội dung như : Chấm trang trí trại đẹp, các trò chơi văn hóa dân gian truyền thống như: hội chợ ẩm thực, nhảy bao bố, kéo co, Nhảy bao tiếp sức, Chuối treo ròng rọc, Đậu và đũa, Nhảy dây đội nước, Thắp lên ngọc lửa, Nhảy dân vũ,…Trong đêm giao lưu văn nghệ, các tiểu trại tham gia các tiết mục văn nghệ vui tươi, sôi nổi được dàn dựng công phu với các bài hát, điệu nhảy, bài biểu diễn sôi động.

Đặc biệt là phần rước đuốc mở màn cho lửa trại với 01 ngọn đuốc vinh dự được PGs.Ts Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần ThơPGs.Ts Nguyễn Văn Nở - Trưởng Khoa Sư phạm mang trao tận tay Ban Tổ chức để thắp sáng dòng chữ "Sức trẻ sinh viên Khoa Sư phạm" và bùng sáng với ngọn lửa chính của hội trại đã để lại dấu ấn cho các trại sinh, khơi gợi trong các bạn Đoàn viên – Sinh viên về truyền thống hào hùng của dân tộc và đề cao vai trò trách nhiệm của tuổi trẻ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Ngọn lửa” cũng là sự đại diện cho sự kết tinh của lòng nhiệt huyết – sự năng động – sáng tạo - và tinh thần đoàn kết của tuổi trẻ Khoa Sư phạm;

Hội trại truyền thống kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đoàn và chào mừng Tháng thanh niên 2018 đã kết thúc với nhiều ấn tượng tốt đẹp khó phai trong lòng các trại sinh tham gia.

Một số hình ảnh hoạt động:

PGs. Nguyễn Văn Nở, Trưởng Khoa Sư phạm phát biểu khai mạc

PGs. Nguyễn Văn Nở, Trưởng Khoa Sư phạm phát biểu khai mạc

Đông đảo Đoàn viên Khoa Sư phạm tham dự hội trại

Trại viên trang trí trại

Trò chơi kéo co

Trò chơi nhảy bao bố

Trò chơi Đại chiến bóng nước

Đêm giao lưa văn nghệ

Gs. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu trước buổi lễ rước đuốc

Gs. Hà Thanh Toàn và PGs. Nguyễn Văn Nở cùng thắp sáng ngọn lửa trại.

Múa hát bên lửa trại truyền thống

 

                                                             (Tin & ảnh: Trần Hữu Tài – Bí thư Đoàn Khoa Sư phạm).

TRIỂN KHAI ĐƯA HỌC PHẦN GIÁO DỤC HÒA NHẬP

VÀO CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN

              Thực hiện Quyết định số 5584/QĐ-BGDĐT ngày 10/12/2013 về việc xây dựng và đưa học phần Giáo dục hòa nhập vào chương trình đào tạo giáo viên tại các trường Đại học trong cả nước, sáng ngày 29/12/2017, đoàn công tác của Vụ GHTH-Bộ GDĐT do T.s Nguyễn Phương Hiền làm trưởng đoàn đã đến làm việc với lãnh đạo trường Đại học Cần Thơ. Tiếp đoàn, có PGS. TS Hà Thanh Toàn, hiệu trưởng nhà trường cùng đại diện các khoa: Khoa Sư phạm, Khoa Ngoại ngữ, Khoa Chính trị, Bộ môn Giáo dục thể chất và Phòng đào tạo.

(Hình 1: Toàn cảnh lớp học)

             Tại buổi làm việc với BGH trường, TS. Nguyễn Phương Hiền trao đổi về tầm quan trọng và cần thiết của giáo dục hòa nhập trong việc đào tạo giáo viên, đó là trang bị cho SV những tri thức cơ bản để có đủ hiểu biết và ứng dụng được trong công tác giáo dục học sinh đặc biệt sau khi ra trường. Để SV có thể tiếp cận được những nội dung này thì các trường Đại học có đào tạo giáo viên cần đưa nội dung này vào chương trình đào tạo. PGS. TS Hà Thanh Toàn cũng đồng ý với quan điểm này và cho rằng để tiếp cận được với xu thế chung của giáo dục toàn cầu, trẻ em đặc biệt là trẻ thuộc diện hòa nhập cần được quan tâm và bản thân mỗi GV tương lai cần có kiến thức cũng như phương pháp tiếp cận giáo dục HS. Trường giao nhiệm vụ cho các khoa xem xét và nghiên cứu để đưa học phần này vào trong chương trình đào tạo hiện hành.

(Hình 2:  SV thảo luận trong buổi học)

Cũng trong kế hoạch làm việc lần này, Khoa sư phạm bố trí Th.s Nguyễn Thị Bích Phượng dạy thử nghiệm 02 tiết trong giáo trình Giáo dục hòa nhập do Khoa Giáo dục đặc biệt, trường ĐHSP Hà Nội phối hợp với các chuyên gia đầu ngành về giáo dục trẻ khuyết tật đã biên soạn. Sau tiết dạy, giảng viên của Khoa đã cùng tọa đàm trao đổi với đoàn công tác của Bộ về tầm quan trọng của công tác giáo dục trẻ hòa nhập. Theo đó, giảng viên của khoa cũng đóng góp ý kiến về các nội dung và cách triển khai giảng dạy học phần này vào chương trình đào tạo. PGS.TS Nguyễn Xuân Hải, trưởng khoa Giáo dục đặc biệt trường ĐHSP Hà Nội chia sẻ thêm về quá trình thực hiện dự án và giải đáp những thắc mắc của giảng viên về các nội dung xoay quanh tên học phần, giới hạn đối tượng giảng dạy, bộ công cụ kiểm tra phát hiện trẻ khuyết tật... Về định hướng của Khoa, PGS.TS Nguyễn Văn Nở cho biết Khoa Sư phạm hiện đã triển khai đưa học phần Giáo dục hòa nhập vào chương trình đào tạo GV tiểu học theo chỉ đạo của Vụ GD tiểu học năm 2016 vào nhóm các học phần tự chọn và trước mắt cũng sẽ đưa học phần này vào nhóm học phần tự chọn trong chương trình đào tạo GV trung học.

(Hình 3: Toàn cảnh buổi tọa đàm)

                                                                                                                                                                                                                           Bài và ảnh: Hatcattim

Nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tính năng động và khả năng thích nghi với nền kinh tế và thị trường việc làm luôn thay đổi, ngày 02/11/2017, Trường ĐHCT phối hợp Trường Đại học Bang Arizona, Hoa Kỳ và Viện Khoa học và Đổi mới Công nghệ thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về Giáo dục đại học STEM cho sự phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị nhận được sự quan tâm của nhiều học giả, giảng viên, cán bộ quản lý và doanh nghiệp từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Indonesia, Anh Quốc và Việt Nam.

 

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 12/2/2014, ĐBSCL đặt mục tiêu trở thành vùng kinh tế trọng điểm với mức phát triển cao theo kịp các vùng kinh tế dẫn đầu khác của đất nước, hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế khu vực và quốc tế. Để thực hiện hóa mục tiêu đó, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực có trình độ khoa học công nghệ là vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc ưu tiên phát triển các ngành đào tạo liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) ở các bậc cao đẳng và đại học là bước đi thiết thực để cung ứng nguồn nhân lực lành nghề và có trình độ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT chia sẻ, với vị thế là trường đại học trọng điểm ở ĐBSCL, Trường ĐHCT đã có những bước tiến dài trong chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế. Những năm qua, Nhà trường đã tích cực đổi mới và phát triển không ngừng về cơ chế tiếp cận lẫn chất lượng trong đào tạo. Riêng các chuyên ngành STEM được đầu tư trọng tâm, bài bản và hiện đại với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập, nghiên cứu hoàn thiện và chương trình đào tạo ngày càng tiếp cận với xu hướng của thế giới. Trong đó, 2/3 chương trình đào tạo tiến tiến đã được công nhận đạt chuẩn quốc tế AUN-QA cũng thuộc lĩnh vực STEM. Trường ĐHCT còn là điểm đến uy tín của nhiều dự án quốc tế đầu tư vào các chương trình đào tạo STEM thuộc các lĩnh vực Nông nghiệp, Thủy sản, Môi trường. Đây chính là nền tảng vững chắc và là tiền đề để Nhà trường tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của vùng trong thời gian tới.

Hội thảo đã diễn ra phiên toàn thể với hai báo cáo chính về giáo dục đại học STEM ở Hoa Kỳ và những gợi ý ứng dụng cho Việt Nam, và giáo dục đại học STEM: Góc nhìn từ các đối tác doanh nghiệp, cùng với 06 phiên tiểu ban với 23 bài tham luận về các chủ đề: Phát triển chương trình giáo dục STEM, thúc đẩy sự hợp tác trường đại học-doanh nghiệp nhằm đáp ứng cho sự phát triển của ĐBSCL, đảm bảo chất lượng của các chương trình STEM: Nâng cao chất lượng và trách nhiệm giải trình, các chương trình đào tạo STEM trực tuyến, chính sách nghiên cứu và đổi mới trong các chương trình STEM, và đào tạo giáo viên cho giáo dục STEM ở cấp trung học. Các tham luận, các nghiên cứu đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc về giáo dục đại học STEM để phát triển kinh tế xã hội không chỉ của vùng ĐBSCL mà của cả nước.

Bên cạnh việc tạo điều kiện để thúc đẩy nghiên cứu và nâng cao hiểu biết về vai trò của lĩnh vực giáo dục đại học STEM, Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu và quản lý cùng đánh giá và phân tích thực trạng, những điểm mạnh và những thách thức của giáo dục STEM ở ĐBSCL nói chung để từ đó có những khuyến nghị chính sách thiết thực định hướng cho sự phát triển giáo dục đại học STEM cho vùng trong thời gian tới. 

(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)

 

                Ngày 22/10/2017, Bộ môn Giáo dục Tiểu học – Mầm non đã tổ chức đêm chung kết Hội thi Nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên Giáo dục tiểu học với chủ đề “Trải nghiệm và sáng tạo”. Đây là hội thi thường niên nhằm giúp sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống, qua đó khơi dậy tình yêu nghề nghiệp của các thế hệ sinh viên. Hội thi mang đến cho sinh viên những cơ hội để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm học tập, thực tập giảng dạy cũng như giao lưu văn hóa văn nghệ, thắt chặt tình đoàn kết với nhau giữa các sinh viên đang học tập tại trường với các thế hệ sinh viên đã học tập tại trường.

               Trong hội thi năm nay, toàn bộ sinh viên đã được tham gia thi tài nhiều nội dung thi như thi viết chữ đẹp, thi thiết kế đồ dùng dạy học, thi giới thiệu về ngành, thi tài năng. Ngoài ra, sinh viên các khóa còn tham gia phần thi kiến thức nghiệp vụ để thể hiện sự hiểu biết về ngành nghề và các vấn đề có liên quan đến công việc giảng dạy sau này như tìm hiểu chuẩn nghề nghiệp giáo viên, điều lệ trường tiểu học, luật giáo dục, các thông tư đánh giá xếp loại học tập của học sinh và các văn bản pháp quy ngành và khả năng ngoại ngữ...Hội thi thu hút đông đảo cựu sinh viên các khóa hiện đang giảng dạy ở các trường tiểu học của thành phố Cần Thơ và một số tỉnh lân cận về tham dự.

 

Hình 1: PGS.TS Nguyễn Văn Nở, Trưởng Khoa phát biểu chúc mừng

                Cũng trong đêm chung kết hội thi, Ban đại diện Hội cựu sinh viên tiểu học từ khóa đầu tiên, khóa 29 đến khóa 39 đã thành lập và ra mắt. Phát biểu tại hội thi, cựu sinh viên Hà Hữu Nghị đã bày tỏ mong muốn hội thi tiếp tục được duy trì để tạo sân chơi học thuật lành mạnh cho sinh viên của ngành, tạo sự đoàn kết gắn bó hơn nữa giữa các thế hệ sinh viên.

 

Hình 2: Tiết mục dự thi tài năng Bản hùng ca đất Việt

                 Đến tham dự đêm chung kết, PGS.TS Nguyễn Văn Nở, Trưởng Khoa sư phạm cũng phát biểu chỉ đạo và đánh giá cao hiệu quả của các phần thi mà hội thi mang đến cho toàn thể sinh viên của Bộ môn. Bên cạnh những thành tích về học tập, nghiên cứu khoa học mà sinh viên và cán bộ của Bộ môn đã đạt được, Khoa cũng biểu dương và đánh giá cao hoạt động hợp tác quốc tế của Bộ môn thông qua nhiều chương trình giao lưu, học tập ngắn hạn, báo cáo tại các hội thảo quốc tế. Tuy mới tách ra và hoạt động độc lập chưa đầy hai năm, nhưng định hướng phát triển của Bộ môn rõ ràng, cụ thể đã mang đến những hiệu quả tích cực, khả quan trong xây dựng và phát triển, góp phần xây dựng hình ảnh và tạo dựng thương hiệu trường Đại học Cần Thơ nói chung và Khoa Sư phạm nói riêng.

                Trong định hướng phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho sinh viên, Ban tổ chức hội thi mong muốn sẽ tổ chức được hoạt động giao lưu học thuật, trao đổi nghiệp vụ với các trường bạn trong nước và quốc tế. Hội thi năm nay khép lại trong sự vui mừng, hào hứng lẫn tiếc nuối của tập thể sinh viên, hứa hẹn năm sau với nhiều nội dung hấp dẫn và đa dạng hơn.

 

Hình 3: Hội cựu SV Tiểu học chụp hình lưu niệm sau hội thi

 

Hình 4: Sản phẩm khéo tay của sinh viên

Hình 5: PGS. TS Nguyễn Văn Nở, Trưởng Khoa trao giải các tiết mục đạt giải

 Bài và ảnh: Hatcattim

Khoa Sư Phạm -  Trường Đại học Cần Thơ.

Địa chỉ: Khu 2 Đại học Cần Thơ, đường 3/2, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Điện thoại & Fax: (0292)3830261.

Email: ksp@ctu.edu.vn.