Trên cơ sở việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và PGS năm 2021 theo Quyết định số 16/QĐ-HĐGSNN ngày 30/03/2022 của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Hiệu trưởng Trường ĐHCT đã ra Quyết định bổ nhiệm chức danh GS cho 01 nhà giáo và chức danh PGS cho 13 nhà giáo.

Tại Lễ công bố và trao Quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2022 vào ngày 27/5/2022 được tổ chức tại Hội trường 2, Nhà điều hành, Trường ĐHCT. Khoa Sư phạm có thêm 03 nhà giáo được bổ nhiệm chức danh PGS, nâng số lượng Phó Giáo sư của Khoa 12 nhà giáo.

Danh sách các nhà giáo của Khoa Sư phạm được công nhận đạt tiểu chuẩn chức danh PGS năm 2022

  1. PGs.Ts.Bùi Phương Uyên,      ngành Giáo dục học
  2. PGs.Ts.Phạm Phương Tâm,   ngành Giáo dục học
  3. PGs.Ts.Nguyễn Trung Kiên,   ngành Toán học

 

PGS.TS.Bùi Phương Uyên

PGS.TS.Nguyễn Trung Kiên

PGS.TS.Phạm Phương Tâm

 

Vào ngày 30/7/2020, tại buổi gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 – 01/8/2020), PGS.TS-Giảng viên cao cấp Vũ Thanh Trà (Trưởng Bộ môn SP. Vật Lý – Khoa Sư phạm) đã được Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục & Đào tạo vinh danh là một trong số các nhà khoa học tiêu biểu của cả nước. Cũng trong dịp này, PGS Vũ Thanh Trà vinh dự được đại diện ngành Giáo dục nhận Bằng khen và quà tặng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đây vừa là niềm hạnh phúc lớn lao, xứng đáng với quá trình nỗ lực không mệt mỏi trong nghiên cứu và giảng dạy của một nhà khoa học trẻ giàu tiềm năng vừa góp phần khẳng định vị thế của Trường Đại học Cần Thơ không chỉ trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà còn vươn đến tầm cỡ quốc gia.

Một số hình ảnh trong buổi Hội nghị

 

  

 

 

 

Trên cơ sở việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và PGS năm 2020 theo Quyết định số 66/QĐ-HĐGSNN ngày 23/12/2020 của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Hiệu trưởng Trường ĐHCT đã ra Quyết định bổ nhiệm chức danh GS cho 6 nhà giáo và chức danh PGS cho 11 nhà giáo.

Tại Lễ công bố và trao Quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2020 vào ngày 04/02/2020 được tổ chức tại Hội trường 4, Nhà điều hành, Trường ĐHCT. Khoa Sư phạm có 02 nhà giáo được bổ nhiệm chức danh GS và 03 nhà giáo  được bổ nhiệm chức danh PGS, nâng số lượng Giáo sư của Khoa 02 nhà giáo và Phó Giáo sư 09 nhà giáo.

Danh sách các nhà giáo của Khoa Sư phạm được công nhận đạt tiểu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2020

  1. Gs.Ts. Lâm Quốc Anh, ngành SP.Toán
  2. Gs.Ts. Nguyễn Phú Lộc, ngành Giáo dục học
  3. PGs.Ts.Trần Lương, ngành Giáo dục học
  4. PGs.Ts.Đinh Minh Quang, ngành Sinh học
  5. PGs.Ts.Dương Hữu Tòng ngành Giáo dục học

 

Giáo sư và Phó Giáo sư của Khoa Sư phạm

 

GS.TS. Nguyễn Thanh Phương và GS.TS. Hà Thanh Toàn trao Quyết định công nhận và Quyết định bổ nhiệm GS

 

GS.TS. Nguyễn Thanh Phương và GS.TS. Hà Thanh Toàn  trao Quyết định công nhận và Quyết định bổ nhiệm các PGS

 

Năm 2018, Khoa Sư phạm – Trường Đại học Cần Thơ có 2 phó giáo sư thuộc thế hệ 8X là thầy Nguyễn Thanh Tùng và thầy Vũ Thanh Trà. Đây là 2 trong tổng số 3 giảng viên trẻ nhất ĐBSCL được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư với những thành tích nổi bật trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng (bên phải) trong một buổi thảo luận nghiên cứu cùng học viên và nghiên cứu sinh.

Đặc thù của Khoa Sư phạm, trường Đại học Cần Thơ là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực giáo dục của khu vực ĐBSCL. Xác định “yếu tố con người là quan trọng nhất” – nhiều năm qua, việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như phát triển công tác nghiên cứu khoa học luôn được Khoa Sư phạm quan tâm thực hiện. Nhờ vậy đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên trẻ không ngừng lớn mạnh, thực hiện tốt vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. PGS.TS Nguyễn Văn Nở - Trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ thông tin: “Trong năm vừa qua, Khoa Sư phạm phải nói như được mùa khi có đến 3 giảng viên được phong PGS và được bổ nhiệm giảng viên cao cấp. Trong đó có 2 giảng viên thuộc diện rất trẻ…!”

2 giảng viên được nhắc đến là PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng – Phó trưởng bộ môn Sinh học và PGS.TS Vũ Thanh Trà – Trưởng bộ môn Vật lý. Hai vị Phó Giáo sư trẻ để lại ấn tượng bởi nhiệt huyết và những thành tích đáng tự hào trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

31 tuổi là Tiến sĩ, 36 tuổi được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư. Đó là thành quả cả quá trình phấn đấu không mệt mỏi của PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng. Thạc sĩ Nguyễn Quốc Nam đang là nghiên cứu sinh do thầy Tùng trực tiếp hướng dẫn nói: “Khi tiếp xúc với thầy mình bắt đầu thay đổi nhiều quan điểm về cách làm việc cũng như tư duy khoa học, rồi mình nỗ lực hơn, cố gắng vươn lên để đáp ứng vấn đề đưa ra và những vấn đề thầy yêu cầu thực hiện…”

Đó là chia sẻ của một trong số những học viên và nghiên cứu sinh được thầy Tùng hướng dẫn, đến nay có 5 người đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ. Trong nghiên cứu khoa học, thầy đã chủ nhiệm 1 đề tài cấp Bộ, kết quả nghiệm thu loại tốt; 4 đề tài cấp trường, kết quả nghiệm thu loại tốt và xuất sắc. Thời điểm hiện tại, vị Phó Giáo sư sinh năm 1982 đã có một “gia tài khoa học” khá đồ sộ, với 8 bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế SCI, SCI-E cùng với 13 bài trong nước và 5 bài báo cáo trong hội nghị cấp quốc gia. Đáng chú ý, năm 2016, quyển sách chuyên khảo về loài giun đất Việt Nam do thầy công bố được xuất bản tại New Zealand. PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: “Sản phẩm khoa học muốn có chất lượng thứ nhất phải trung thực, thứ hai phải có đủ mức độ, ví dụ mình đặt ra yêu cầu cao thì sản phẩm mình ra phải có chất lượng, chất lượng đó phản ánh rất nhiều, sẽ tạo cho mình cơ hội để làm những việc lớn hơn…”

Còn với PGS.TS Vũ Thanh Trà, sinh năm 1980, con đường đến với khoa học của thầy khởi đầu từ Đại học Cần Thơ – cái nôi đào tạo tài năng uy tín của khu vực và cả nước. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Cử nhân Sư phạm Vật lý – Tin học, thầy Trà được giữ lại trường làm công tác giảng dạy, năm 2008 được cấp bằng Thạc sĩ, năm 2013 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Chiao Tung, Đài Loan. Từ năm 2010 đến 2018, thầy có hơn 20 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế ISI và gần 50 bài báo cáo tham luận tại các hội thảo, hội nghị quốc tế. Bên cạnh đó, thầy cũng đã và đang chủ nhiệm 3 đề tài nghiên cứu cấp trường và 2 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước. PGS.TS Vũ Thanh Trà cho biết: “Nói không đam mê thì không đúng, bởi vì nghiên cứu mà không đam mê thì không làm được. Viết một bài báo quốc tế thì công sức và nội lực không đơn giản, phải đam mê mới làm được. Muốn có học trò giỏi thì người thầy đóng vai trò số 1, phải là hạt nhân, phải giỏi mới có đào tạo nên những thế hệ tốt.”

Cùng với những thành tích trong nghiên cứu khoa học, PGS.TS Vũ Thanh Trà còn thực hiện tốt công tác giảng dạy và hướng dẫn sinh viên, học viên cao học thực hiện các đề tài nghiên cứu. Đáng chú ý, thầy còn bồi dưỡng, tạo điều kiện cho những thạc sĩ trẻ tâm huyết, đam mê có điều kiện phát triển thông qua thành lập Nhóm nghiên cứu khoa học cùng thực hiện những đề tài có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Thạc sĩ Nguyễn Lâm Thùy Dương, thành viên nhóm nghiên cứu khoa học do PGS.TS Vũ Thanh Trà chủ trì, nói về người thầy của mình: “Thầy là người truyền cho mình nhiều cảm hứng, nhiều lúc mình thấy khó khăn ở một vấn đề, nhưng qua lời động viên, sự hướng dẫn của thầy làm cho mình tự tin hơn, có bước định hướng về vấn đề đó nhiều hơn, sâu sắc hơn. Đó là động lực lớn để mình phấn đấu để đạt được như thầy.”

PGS.TS Nguyễn Văn Nở - Trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ bày tỏ: “Hai PGS này có những kết quả nghiên cứu rất đáng khích lệ, đấy cũng tạo nên sức bật. Rất hy vọng, kỳ vọng trong những năm tiếp theo, với những thành quả của những giảng viên đó sẽ là động lực để các giảng viên trẻ phấn đấu…”

Mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, mùa của kỳ vọng. Nói như PGS.TS Nguyễn Văn Nở, 2 PGS thế hệ 8X tiêu biểu cho những giảng viên – nhà khoa học trẻ có niềm đam mê và giàu nhiệt huyết sẽ là động lực, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP.Cần Thơ và khu vực ĐBSCL…

Nhằm tôn vinh những nhà khoa học trẻ (35 tuổi trở lại) có thành tích khoa học xuất sắc trong 5 lĩnh vực: Công nghệ Thông tin và Truyền thông; Công nghệ Y - Dược; Công nghệ Sinh học; Công nghệ Môi trường và Công nghệ Vật liệu mới, TƯ Đoàn đã chủ trì và phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức xét chọn Giải thưởng Khoa học Công nghệ thanh niên Quả cầu vàng năm 2018. Giải thưởng này bắt đầu từ năm 2003.

Năm 2018, Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ Trung ương  Đoàn - Cơ quan thường trực Giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả Cầu Vàng - đã nhận được 61 hồ sơ của 31 đơn vị đề cử trong và ngoài nước.

Qua 4 vòng xét chọn gồm vòng hồ sơ, vòng xét của Hội đồng khoa học lần 1, bình chọn online và vòng xét của Hội đồng khoa học lần 2, TS. Đinh Minh Quang, Giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ, là môt trong 10 ứng viên đã xuất sắc đạt được Giải thưởng Quả cầu vàng 2018. Đây cũng là lần đầu tiên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ có người đạt được Giải thưởng cao quý này.

Đây không chỉ là niềm vinh dự cho cá nhân TS. Đinh Minh Quang mà còn là niềm tự hào của Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ; là nguồn động viên rất lớn để bản thân TS. Đinh Minh Quang cũng như Thầy Cô và Sinh viên tiếp tục phấn đấu trên con đường nghiên cứu khoa học.

Để đạt được Giải thưởng Quả cầu vàng 2018, TS. Đinh Minh Quang đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu với những kết quả cụ thể sau:

Nghiên cứu khoa học

- 19 bài báo khoa học đều là tác giả chính đã công bố trên các tạp chí quốc tế, trong đó 01 bài thuộc danh mục Q1, 03 bài thuộc danh mục Q2, 08 bài thuộc danh mục Q3, 03 bài thuộc danh mục Q4 và 02 bài thuộc danh mục Scopus.

- 16 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí trong nước (14 bài tác giả chính).

- 01 báo cáo khoa học là tác giả độc lập đăng toàn văn trong kỷ yếu hội nghị quốc tế, 09 báo cáo khoa học đăng toàn văn trong kỷ yếu hội nghị trong nước (07 báo cáo tác giả chính).

- Chủ nhiệm 01 đề tài cấp Nhà nước (đang triển khai), 01 đề tài cấp Bộ đã nghiệm thu loại xuất sắc, 04 đề tài cấp cơ sở (03 đề tài đã nghiệm thu loại tốt).

- Tham gia 02 đề tài cấp Bộ (01 đề tài đã nghiệm thu) và 02 dự án hợp tác quốc tế.

 Hoạt động cộng đồng:

- Tham gia phản biện cho 8 tạp chí khoa học quốc tế (SCI/SCIE/ISI/Scopus) và 2 tạp chí khoa học trong nước.

- Tham gia các hoạt động Đoàn, Hội tổ chức như chiến dịch tình nguyện hè, tư vấn tuyển sinh đại học.

 Giải thưởng và Bằng khen đã đạt được

- Giải thưởng Sao Tháng giêng năm 2005 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

- Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam các năm 2004, 2005, 2006.

- Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chính Minh các năm 2008, 2009, 2010.

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2018.

- Giải nhất Giải thưởng KHCN dành cho giảng viên trẻ năm 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

- Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

 Một số hình ảnh của buổi lễ trao Giải thưởng Quả cầu vàng 2018:

 

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nở, Phó Trưởng khoa Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ là người đầu tiên ở ĐBSCL được phong hàm Phó giáo sư Ngôn ngữ học (Việt ngữ học). Với 27 năm miệt mài giảng dạy, nghiên cứu, thầy có nhiều bài viết công bố trên các tạp chí chuyên ngành và xuất bản sách, được giới chuyên môn đánh giá cao. Bạn bè, đồng nghiệp, sinh viên luôn dành cho thầy Nở một tình cảm trân trọng quý mến, bởi tác phong làm việc nghiêm túc, khả năng sáng tạo, sống chan hòa, bao dung với mọi người... Đặc biệt, tấm gương vượt khó của thầy làm nhiều người mến phục.

Hết mình với nghề

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nở trong một chuyến tập huấn tại Úc.

Từ năm 1997 đến nay, thầy Nở đã viết và tham gia biên soạn nhiều quyển sách đã được xuất bản, như: “Giáo trình Phong cách học tiếng Việt”; đồng chủ biên quyển “Hồ Biểu Chánh - người mở đường cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại”; đồng biên soạn quyển “Một số vấn đề ngôn ngữ, văn học và giảng dạy Ngữ văn”; thành viên biên soạn quyển “Văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long”. Riêng quyển “Biểu trưng trong tục ngữ người Việt” được NXB Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2010 là công trình luận án tiến sĩ của thầy Nở. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, thầy chỉnh sửa, dự thi và đạt giải Nhì B (không có giải Nhất) của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 2007. Công trình này được Chính phủ tài trợ xuất bản theo “Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam”. Bên cạnh đó, thầy Nở còn có 2 công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở là: “Thi pháp thể loại tục ngữ Việt Nam” và “Nghĩa biểu trưng của các loại hình ảnh trong tục ngữ Việt Nam”. Ngoài ra, thầy đã công bố 11 bài nghiên cứu đăng trong các kỷ yếu Hội thảo Ngôn ngữ học do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức; 35 bài trên các tạp chí chuyên ngành nhu: Ngôn ngữ, Từ điển học và Bách khoa thư, Ngôn ngữ và Đời sống, Nghiên cứu văn học, Văn hóa dân gian, Khoa học xã hội...

Năm 1985, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm Ngữ văn, thầy Nở được giữ lại trường giảng dạy và công tác cho đến nay. Năm 1997, thầy được phân công làm Tổ trưởng chuyên ngành Ngôn ngữ thuộc Bộ môn Ngữ văn. Năm 2007, thầy được đề bạt làm Trưởng Bộ môn Ngữ văn. Tháng 2-2008, thầy lấy bằng Tiến sĩ Ngữ văn và hơn 3 năm sau, tháng 11-2011, thầy được phong hàm Phó Giáo sư. Đầu tháng 5-2012, thầy tiếp tục được đề bạt làm Phó Trưởng khoa Sư phạm. Ngoài công tác giảng dạy, nghiên cứu, thầy Nở đã hướng dẫn 21 luận văn thạc sĩ, đa phần đề tài đều liên quan đến việc giảng dạy tiếng Việt, văn học ở trường THPT và tìm hiểu nghệ thuật ngôn từ trong tác phẩm văn chương, lĩnh vực mà mấy chục năm qua thầy dốc hết tâm sức theo đuổi. Thạc sĩ Nguyễn Thụy Thùy Dương, giảng viên Bộ môn Ngữ văn, Khoa Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ, kể: “Thầy luôn quan tâm, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để nhiều sinh viên, học viên và giảng viên trẻ tiến bộ và phát triển nghề nghiệp. Thầy rất say mê công việc, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tục ngữ, ngôn ngữ, văn học dân gian. Trước khi quyết định bất cứ việc gì liên quan đến tập thể, thầy thường tham khảo ý kiến đồng nghiệp nên tạo được sự đồng thuận, đoàn kết cao ở Bộ môn”.

Trụ với nghề cho đến nay, ngoài đam mê, nỗ lực, đối với thầy Nở, đó còn là cơ duyên. Tuổi thơ nghèo khó, không đủ tiền ăn học nhưng thầy vẫn nhín nhút, dành tiền thuê sách cũ về đọc, nuôi dưỡng và ấp ủ tình yêu văn học. Thầy vốn yêu thích môn văn và chỉ mơ ước trở thành giáo viên dạy văn. Tuổi thơ vất vả đã hình thành nơi thầy ý chí tự lập, vượt khó và chính sự động viên của người thân, thầy cô, bạn bè... đã tiếp sức, giúp thầy có thêm nghị lực, sự tự tin phấn đấu để đi đến tận cùng ước mơ của mình.

Hành trình vươn đến ước mơ

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nở, sinh năm 1960, ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Gia cảnh khó khăn, đông anh em nên con đường học vấn của thầy đầy trắc trở, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Suốt khoảng thời gian, từ năm học lớp 6 đến lớp 9, thầy Nở đã biết sắp xếp một buổi đi học, buổi còn lại đi bán cà rem kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sau ngày giải phóng đất nước, gia đình quá túng thiếu, thầy quyết định nghỉ học. Lúc này, thầy đã trở thành cậu bé bán cà rem “chuyên nghiệp”, bước chân không còn quanh quẩn ở bến xe, ngõ hẻm trong thị xã nữa, mà giong ruổi đến các xã ven biển Vàm Láng, Tân Thành (tỉnh Gò Công cũ, nay thuộc huyện Gò Công Đông, cách thị xã Gò Công khoảng 15 km) trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Một buổi chiều đầu tháng 8 năm 1975, trên đường đi bán từ Vàm Láng về, thầy tình cờ gặp người bạn học cùng lớp và được biết, dù không dự 6 tuần ôn tập do trường tổ chức, thầy cũng được phép dự thi. Nỗi khao khát đi học lại trỗi dậy, thầy làm hồ sơ dự thi, trúng tuyển và được xếp vào học lớp 10A1 (lúc bấy giờ, ban A thuộc ban Văn - Sử - Địa), Trường THPT Trương Định. Năm học lớp 10, thầy vẫn vừa học vừa tiếp tục nghề bán cà rem và năm lớp 11, thầy “nâng cấp” đạp xe ba gác chở mướn hàng hóa. Đến giờ, bạn bè vẫn không quên hình ảnh thầy Nở gầy nhom, da đen sạm, mồ hôi nhễ nhại, gồng mình trên xe ba gác chở vật dụng bán cà rem và lỉnh kỉnh đồ đạc, sách vở chứa trong chiếc thùng nhỏ. Thầy tranh thủ thời gian trống giữa những chuyến hàng để học bài, vì đến buổi tối, thầy đã mệt nhoài sau một ngày buôn bán vất vả và càng không thể tiếp thu bài dưới ánh đèn dầu leo lét và muỗi vo ve, vây kín xung quanh.

Năm thầy học lớp 11, gia đình liên tiếp gặp rủi ro, cảnh nhà vốn đã khó khăn lại càng thêm túng bấn. Nản chí, một lần nữa thầy quyết định nghỉ học. Cô chủ nhiệm biết chuyện, đến nhà phân tích thiệt hơn, động viên thầy Nở trở lại trường. Trong tác phẩm “Ngọn nến ấy mãi lung linh” đoạt giải khuyến khích cuộc thi viết ngắn “Ơn thầy” do báo Tuổi trẻ tổ chức năm 2002, thầy Nở viết: “Hai năm cuối thời trung học rồi cũng trôi nhanh. Nhưng chính thời gian ấy đã định hình và lớn dần trong tôi ước mơ về một ngày mai mà đường tôi đi sẽ là con đường dẫn đến mái trường, nơi cô đưa tôi trở lại và mong tôi tiếp bước”.

Sau khi tốt nghiệp THPT, không có điều kiện thi đại học, thầy Nở đăng ký tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Gần 3 năm cùng đồng đội khai hoang, đào kinh, xây dựng cuộc sống mới tại Nông trường Phú Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, thầy vẫn ấp ủ ước mơ vào đại học. Sau một ngày lao động mệt nhoài, thầy thường thức rất khuya bên ngọn đèn dầu tự chế để ôn bài (thầy ngồi trong mùng học bài, vì buổi tối ở nông trường rất nhiều muỗi và cái mùng dù có giặt nước kênh mỗi tuần cũng nhuộm màu đen rất đặc trưng của khói đèn). Năm 1981, thầy Nở thi đậu vào ngành Sư phạm Ngữ văn Trường Đại học Cần Thơ và sau khi tốt nghiệp được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Học đúng chuyên ngành yêu thích, làm việc đúng chuyên môn, được mọi người ủng hộ, sau nhiều năm nỗ lực, phấn đấu, thầy đã trở thành Phó Giáo sư, khi vừa bước qua tuổi 50. Tiến sĩ Trần Văn Minh, Trưởng bộ môn Ngữ văn, Khoa Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ, nói: “Thầy Nở sống giản dị, chân tình, hòa đồng, có trách nhiệm với công việc. Tấm gương vượt khó của thầy rất đáng khâm phục”.

Người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp của thầy Nở là Thạc sĩ Huỳnh Thị Lan Phương, vừa là vợ vừa là đồng nghiệp cùng Bộ môn sư phạm Ngữ Văn. Gần 20 năm qua, cô đã tình nguyện đứng phía sau chăm sóc chồng và hai con trai, luôn tạo điều kiện và động viên, chia sẻ để thầy yên tâm giảng dạy, nghiên cứu cũng như làm công tác quản lý. Nói về chồng, cô Phương xúc động kể: “Anh sống rất gương mẫu, mực thước, hiếu nghĩa với cha mẹ. Được cha dạy dỗ, uốn nắn, các con đều ý thức tự lập trong sinh hoạt, tự giác học tập và học giỏi”. Con trai lớn của thầy học Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, vừa đạt giải Nhì học sinh giỏi Anh văn cấp thành phố và đang chuẩn bị thi đại học. Con trai út học lớp 6 cũng chăm ngoan, học giỏi.

Nhắc đến gia đình, ánh mắt thầy Nở lấp lánh niềm vui viên mãn. Tin rằng, niềm vui hạnh phúc mãi đong đầy và luôn là động lực để thầy Nở chuyên tâm vào công tác chuyên môn, tiếp tục nghiên cứu ngôn ngữ, tìm ra cái hay, cái đẹp của ngôn từ trong tác phẩm văn chương nói chung, văn học dân gian nói riêng và hoàn thành tốt nhiệm vụ Phó Trưởng khoa vừa được đề bạt, thúc đẩy khoa và trường phát triển vững mạnh; góp phần cho sự nghiệp đào tạo giáo viên cũng như phát triển nguồn nhân lực ở ĐBSCL. 

Theo Báo Cần Thơ online ngày 12/06/2012

Khoa Sư Phạm -  Trường Đại học Cần Thơ.

Địa chỉ: Khu 2 Đại học Cần Thơ, đường 3/2, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Điện thoại & Fax: (0292)3830261.

Email: ksp@ctu.edu.vn.