Giáo sư Phạm Hoàng Hộ và Giáo sư Nguyễn Duy Xuân đối với việc hình thành và phát triển Viện Đại học Cần Thơ (1966 – 1975)
TS. Phạm Đức Thuận
Trường Đại học Cần Thơ là trường Đại học đầu tiên được thành lập ở vùng đồng bằng sông Cửu long vào ngày 31/3/1966 với tên gọi ban đầu là Viện Đại học Cần Thơ. Sự thành lập và phát triển của Viện đại học Cần Thơ (1966 – 1975) gắn liền với hai tri thức tiêu biểu của vùng đất Cần Thơ là Giáo sư Phạm Hoàng Hộ và Giáo sư Nguyễn Duy Xuân. Đóng góp của 2 vị giáo sư đáng kính đã tạo nền tảng quan trọng để đến hôm nay Trường Đại học Cần Thơ đã trở thành một trong những trường đại học trọng điểm hàng đầu ở Việt Nam.
Giáo sư Phạm Hoàng Hộ
GS Phạm Hoàng Hộ sinh ngày 03/08/1931 tại làng Thới Bình – phường Cái Khế, tỉnh Cần Thơ.Thuở nhỏ ông theo học tiểu học ở các trường Bassac, Nam Hưng và College de Cần Thơ [1] và năm 1946 sang Pháp tiếp tục bậc Trung học lấy bằng Tú Tài I và II. Sau đó, ông theo học đại học ở Đại học Sorbonne Paris, đậu bằng Cử nhân Khoa học vào năm 1953 và bằng Cao học (Thạc sĩ) về Khoa học thiên nhiên (Sciences naturelles) vào năm 1956. Năm 1957, ông về nước và được bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc Hải Học Viện Nha Trang và trong thời gian làm việc ở đây (1957 – 1962), ông đã thực hiện công trình nghiên cứu về rong biển Việt Nam và một phần của công trình nghiên cứu này được dùng cho luận án Tiến sĩ Khoa học mà ông đệ trình vào năm 1961 cũng tại Đại học Sorbonne danh giá nhất của nước Pháp và của cả châu Âu.
Năm 1962, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Khoa Trưởng Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn và giữ chức vụ này đến năm 1963, sau đó ông từ chức để phản đối cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng Phật Giáo của Tổng Thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm.
Sau ngày 1/11/1963, ông tham gia nội các lâm thời của Nguyễn Ngọc Thơ do Hội đồng Quân nhân Cách mạng của Tướng Nguyễn Khánh thiết lập với chức vụ Tổng trưởng Giáo Dục, tuy nhiên sau cuộc “chỉnh lý” ngày 30/01/1964 của Tướng Nguyễn Khánh, nội các của Nguyễn Ngọc Thơ giải tán. GS Phạm Hoàng Hộ trở về với công tác giảng dạy tại Viện Đại học Sài Gòn. Năm 1966, sau cuộc vận động của nhân sĩ trí thức Cần Thơ đứng đầu là Bác sĩ Lê Văn Thuấn và GS Phạm Hoàng Hộ, Viện Đại học Cần Thơ được thành lập, GS Phạm Hoàng Hộ trở thành Viện trưởng đầu tiên của trường Đại học Cần Thơ.
Đầu năm 1970, GS Nguyễn Duy Xuân về làm Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ thay cho GS Phạm Hoàng Hộ, ông về Sài Gòn và tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu thực vật đến năm 1984. Sau năm 1984, GS Phạm Hoàng Hộ sang Pháp và từ đó ông sang Canada sinh sống và hoàn tất công trình nghiên cứu Cây Cỏ Việt Nam. Có thể nói ông là người đầu tiên ở Việt Nam hoàn thành công trình nghiên cứu cây cỏ Việt Nam, đây là công trình có tầm cỡ khoa học lớn và gây được tiếng vang trong nước và trên thế giới.
Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình, ông là tác giả của nhiều sách về Thực vật học Việt Nam như Rong Biển Việt Nam (1969), Tảo học (1972), Sinh học Thực vật (tái bản lần thứ tư,1973), Hiển hoa Bí tử (tái bản lần thứ nhì,1975) và Cây cỏ miền Nam Việt Nam (1972) và nhiều bài nghiên cứu có giá trị khác.
Giáo sư Nguyễn Duy Xuân
GS Nguyễn Duy Xuân sinh năm 1925 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, thưở nhỏ ông là học sinh trường Collège de Cần Thơ. Sau khi đậu bằng Diploma (Văn bằng Thành Chung). Ông sang Pháp du học tốt nghiệp Cử nhân Kinh Tế sau đó ông tiếp tục theo học chương trình Hậu Đại học ở Anh quốc, tốt nghiệp bằng Master về Kinh tế học; tiếp đến sang Hoa kỳ theo học ở Đại học Vanderbilt [2], tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế học và trở về Việt Nam vào năm 1963.
Sau khi về nước, ông được bổ nhiệm làm Tổng ủy Trưởng Tổng ủỷ Nông Nghiệp, Tổng trưởng Kinh Tế và Cố vấn kinh Tế của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, bên cạnh đó ông còn giảng dạy tại các Trường Đại học Luật khoa và Quốc Gia Hành Chánh. Ngày 10/11/1986 do lâm bệnh nặng nên ông qua đời.
Giáo sư Phạm Hoàng Hộ và Giáo sư Nguyễn Duy Xuân trong cuộc vận động thành lập Viện Đại học Cần Thơ và xây dựng ngôi trường này trở thành trung tâm khoa học, giáo dục của đồng bằng sông Cửu long
Nhu cầu có một trường Đại học ở đồng bằng sông Cửu long là rất cấp thiết, vùng đất rộng lớn, đông dân, giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là về đất đai để trồng trọt lúa gạo, cây ăn quả, hoa màu, chăn nuôi thủy hải sản…cần phải có một cở sở giáo dục – khoa học tầm cỡ để phát triển những lợi thế to lớn mà thiên nhiên ưu đãi. Tuy nhiên trong bối cảnh chiến tranh và lúc này Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn khó khăn về nguồn lực vật chất cũng như nguồn nhân lực để gây dựng đội ngũ giáo viên, nhà khoa học phục vụ cho sự phát triển của vùng.
Nung nấu ý định gây dựng trường Đại học đầu tiên cho vùng đồng bằng là tâm huyết chung của những tri thức miền Tây Nam Phần (cách gọi của chính quyền VNCH) thời bấy giờ, cuộc vận động thành lập trường diễn ra từ đầu thập niên 60 nhưng đến giữa năm 1965 thì sôi nổi và vào giai đoạn có tính chất quyết định, khi đề án vận động thành lập trường được trình chính phủ Việt Nam cộng hòa thì gặp nhiều khó khăn, vào ngày 16/11/1965, Tổng bộ văn hóa – xã hội Sài Gòn phúc đáp cho rằng phải đến năm 1969 thì mới có thể thành lập được trường Đại học này. Bác sĩ Lê Văn Thuấn và Giáo sư Phạm Hoàng Hộ là hai nhân vật có đóng góp hết sức tích cực và có vai trò to lớn đối với việc thành lập viện Đại học Cần Thơ. Hai ông kiên trì vận động và đến ngày 1/3/1966 thì cuộc họp trù bị cho việc thành lập Viện Đại học Cần Thơ được diễn ra tại phòng khánh tiết tỉnh Phong Dinh[3]. Ngày 6/3/1965 tại hội trường Trung học Phan Thanh Giản, với sự tham gia của hơn 300 đại biểu đã tập hợp được tiếng nói của nhân dân miền Tây đối với việc thành lập ngôi trường Đại học đầu tiên ở miền tây. Bác sĩ Lê Văn Thuấn đã đọc diễn văn khai mạc và tuyên bố hùng hồn về việc cần thiết phải xây dựng trường đại học và cam kết đảm bảo nguồn lực về con người đáp ứng yêu cầu của một trường đại học. Sự tham gia của GS Phạm Hoàng Hộ là sự ủng hộ to lớn về uy tín về khoa học của trường đại học sắp được thành lập này.
Ngày 8/3/1966, tờ báo “Đất tổ” lên tiếng ủng hộ chủ trương thành lập trường đại học ở miền Tây, nhiều tờ báo viết bài hưởng ứng, GS Phạm Hoàng Hộ với uy tín của mình đối với chế độ Sài Gòn cùng với các Giáo sư Nguyễn Văn Trường [4], Giáo sư Lý Chánh Trung… đã có tác động mạnh mẽ đến chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 31/3/1966, Chủ tịch Ủy ban hành pháp Trung ương Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ ký sắc lệnh 62-SL/GD thành lập Viện Đại học Quốc Gia đặt tại tỉnh Phong Dinh lấy tên chính thức là Viện Đại học Cần Thơ do Giáo sư Phạm Hoàng Hộ làm Viện trưởng.
Cơ sở vật chất của Viện Đại học Cần Thơ gồm: Tòa Viện trưởng: Tọa lạc tại số 5 Đại lộ Hoà Bình. Nơi có Văn phòng Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ, Tổng thư ký và các phòng chức năng thuộc viện. Đây là toà nhà 3 tầng được chính quyền Thị xã Cần Thơ cho mượn từ tháng 7/1966. (Sau ngày đất nước được giải phóng, chính quyền đã mượn lại và trở thành Khách sạn Hoà Bình, năm 2011 giao lại cho Ngân hàng Ngoại thương Thành phố Cần Thơ). Khu I Viện Đại học Cần Thơ (còn gọi là khu Cái Răng). Toạ lạc trên một khu đất có diện tích 5 ha, cách Thị xã Cần Thơ 2km, nằm trên đường Mạc Tử Sanh – (nay là Khu I Đại học Cần Thơ trên đường 30/4- Cần Thơ). Khu này gồm có các giảng đường, phòng thí nghiệm, câu lạc bộ sinh viên, Trường Trung học kiểu mẫu, lưu trú xá nữ sinh viên; một số biệt thự song lập ở mặt tiền đường chính dùng làm nhà làm việc, nhà công vụ của trường Cao đẳng Nông nghiệp, Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa, Đại học Luật khoa và Khoa học Xã hội. Khu II Viện Đại học Cần Thơ (còn gọi là khu Cái khế). Toạ lạc trên một khu đất 87 ha trên đường Nguyễn Viết Thanh (nay là đường 3/2). Là khu nhà học chính của Viện Đại học Cần Thơ, Trung tâm Sinh ngữ. Khu III Viện Đại học Cần Thơ (còn gọi là khu Văn hoá). Toạ lạc trên một khu đất 0.65ha đường Tự Đức (nay là đường Lý Tự Trọng), dùng làm văn phòng Đại học Khoa học, Thư viện, giảng đường và các phòng thí nghiệm. Đại học Cần Thơ có qui định rõ về qui chế học vụ như: điều kiện nhập học; học chế; học phí; học bổng; quân dịch; thể thức miễn chuyên cần (miễn hiện diện), đổi ban, đổi nhiệm ý, đổi sinh ngữ, đổi phân khoa; thi cử và lên lớp. Các cơ sở đào tạo của Viện Đại học Cần Thơ gồm: - Đại học Sư phạm, khai giảng từ năm 1966, đào tạo giáo viên cho các trường trung học trong vùng. - Từ năm học 1966- 1967 đến năm học 1972-1973 chỉ có chương trình huấn luyện “Giáo sư Trung học đệ nhứt cấp” (giáo viên trung học cơ sở), học 2 năm, có 6 ban để sinh viên chọn: Ban Việt Hán, Ban Sử Địa, Ban Toán – Lý, Ban Lý- Hoá- Vạn vật, Ban Anh văn, Ban Pháp văn
Trong giai đoạn 1966 – 1970, Viện Đại học Cần Thơ thực hiện đào tạo, giảng dạy theo mô hình chứng chỉ, niên khóa với số sinh viên hơn 900 người, ngoài ra trường còn thực hiện việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu đất đai, thổ nhưỡng, thực vật ở vùng đồng bằng sông Cửu long, tuy nhiên do điều kiện chiến tranh nên công tác nghiên cứu khoa học còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, những thiệt hại do đạn bom trong chiến tranh cũng ảnh hưởng nhiều đến cơ sở vật chất của nhà trường.
Đầu năm 1970, GS Nguyễn Duy Xuân về làm Viện trưởng viện Đại học Cần Thơ. Trong thời gian làm Viện trưởng, GS Nguyễn Duy Xuân đã tiến hành thực hiện giáo dục đại học theo hình thức “Tín chỉ” tiên tiến mà các nước phương tây đang áp dụng, với hoạt động này thì Viện Đại học Cần Thơ trở thành Đại học đầu tiên ở Việt Nam thực hiện giảng dạy theo hình thức tín chỉ [5]. Một điều mà ngày nay các trường Đại học ở Việt Nam vẫn đang tìm tòi thực hiện theo chỉ đạo của Bộ giáo dục và đào tạo từ năm 2007.
Từ khi về làm Viện trưởng, GS Nguyễn Duy Xuân đã đẩy mạnh phát triển hai ngành Sư phạm và Nông Nghiệp với viễn kiến nhằm đào tạo những giáo chức trung cấp để mở rộng mạng lưới giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và những cán bộ chuyên môn với những kiến thức về khoa học và kỹ thuật nông nghiệp để gia tăng tiềm năng sản xuất của đồng bằng sông Cửu Long.
Để thực hiện kế hoạch trên ông đã cải cách và nâng cấp trường Cao đẳng Nông Nghiệp thành phân khoa Nông Nghiệp. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một trường chuyên nghiệp đào tạo Kỹ sư nông nghệp và trở thành một phân khoa Nông Nghiệp của Đại học. Sự cải tổ này tạo nên mối hợp tác chặt chẽ giữa các phân khoa, gia tăng hiệu năng giảng dạy và Viện Đại học Cần Thơ phát huy được chương trình giáo dục cao cấp toàn diện, chú trọng đặc biệt đến sự phát triển tài nguyên và văn hoá miền Tây. Bên cạnh đó, Giáo sư Nguyễn Duy Xuân rất quan tâm đến đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong giai đoạn ông là Viện trưởng, nhiều trí thức được ông ủng hộ như Võ Tòng Xuân[6], Trần Phước Đường[7]… đã trở về cống hiến cho đất nước… với những cống hiến đó, GS Nguyễn Duy Xuân đã đặt nền tảng quan trọng cho việc phát triển Viện Đại học Cần Thơ, góp phần quan trọng đưa Viện Đại học Cần Thơ trở thành một trung tâm khoa học – đào tạo của miền Nam trước năm 1975.
Thay lời kết
Viện Đại học Cần Thơ là một trong năm Viện Đại học đầu tiên của miền Nam Việt Nam, trường được thành lập vào ngày 31/3/1966 với sự vận động kiên trì của GS Phạm Hoàng Hộ và các bạn hữu của ông. Từ sau năm 1970, GS Nguyễn Duy Xuân trở thành Viện trưởng và có những đóng góp quan trọng cho việc phát triển nhà trường. Việc thành lập Viện Đại học Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của giáo dục vùng Đồng bằng sông Cửu long, những thành tựu đáng tự hào của giáo dục miền Tây ghi nhận công lao to lớn của 2 vị Giáo sư đáng kính người Cần Thơ và để đến hôm nay trường Đại học Cần Thơ dần từng bước trưởng thành và đóng góp vào sự phát triển chung của giáo dục Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Huỳnh Minh (1966), Cần Thơ xưa và nay, Nxb Cánh Bằng, Sài Gòn
- Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ (2000), Địa chí Cần Thơ, Cần Thơ
- Nguyễn Hoàng Vinh và Lê Thị Minh Thu (2012), “Sự hình thành và phát triển của Trường Đại học Cần Thơ”, TCKH Trường ĐH Cần Thơ, số 22b/2012.
- https://thuvienhuequang.vn/blogs/bai-viet/vai-net-ve-giao-su-pham-hoang-ho-va-tac-pham-cay-co-viet-nam
- https://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/cau-chuyen-giao-duc-c-108/giao-su-pham-hoang-ho-mot-nguoi-thay-cua-toi-55462.html
- https://thanhnien.vn/thoi-su/giu-huyet-mach-cho-hon-ngoc-vien-dong-ky-6-vi-tong-truong-quyet-khong-roi-que-huong-556577.html
[1] Sau là trường Trung học Phan Thanh Giản và nay được đổi thành THPT Châu Văn Liêm – Cần Thơ
[2] Đại học Vanderbilt nằm tại thành phố Nashville, bang Tennessee, phía Bắc Hoa Kì. Trường Vanderbilt được tạp chí US news xếp trong top 20 những Trường Đại học tốt nhất trong các trường Đại học thuộc hệ thống Giáo dục Hoa Kì
[3] Trong thời gian này gọi Cần Thơ là tỉnh Phong Dinh
[4] Giáo sư Nguyễn Văn Trường sinh năm 1930 tại Vĩnh Long, đã từng theo học các trường trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ, và Collège Le Myre de Vilers, Mỹ Tho, trước khi sang Pháp học tiếp ở Toulouse, ông nguyên Quyền Giám Đốc Học Vụ Ban Khoa Học Trường ĐH Sư Phạm Huế, Tổng Trưởng Giáo Dục trong Nội Các Trần Văn Hương, Ủy Viên Giáo Dục trong Nội Các Nguyễn Cao Kỳ.
[5] Viện Đại Học Cần Thơ áp dụng quy chế tín chỉ đầu tiên và duy nhất ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Bắt đầu từ niên khóa 1970 - 1971 chế độ chứng chỉ (certificat) được thay bằng tín chỉ (credit), vốn tính theo số giờ học trong suốt học trình bốn năm. Mỗi 30 giờ giảng dạy về lý thuyết là một tín chỉ lý thuyết. Một tín chỉ thực tập gồm 2,5 giờ mỗi tuần trong phòng thí nghiệm trong niên khóa. Văn bằng cử nhân giáo khoa đòi hỏi trong 60 tín chỉ phải có 5/6 là tín chỉ bắt buộc, 1/6 còn lại thì được tùy ý lựa chọn. Cử nhân tự do chỉ cần có đủ 60 tín chỉ
[6] Giáo sư Võ Tòng Xuân từng chia sẻ: Lúc đó viện trưởng Đại học Cần Thơ là ông Nguyễn Duy Xuân viết thư sang cho tôi: “ĐBSCL không có ai chuyên về lúa cả, nếu anh về làm ở đại học chắc sẽ giúp ích được nhiều hơn. Chiến tranh rồi sẽ có ngày hòa bình, cái ăn sẽ luôn luôn đi đầu, rất cần những người như anh...”.
[7] Gs Trần Phước Đường là Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ từ 1991 đến 1996