Vinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.x

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nở, Phó Trưởng khoa Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ là người đầu tiên ở ĐBSCL được phong hàm Phó giáo sư Ngôn ngữ học (Việt ngữ học). Với 27 năm miệt mài giảng dạy, nghiên cứu, thầy có nhiều bài viết công bố trên các tạp chí chuyên ngành và xuất bản sách, được giới chuyên môn đánh giá cao. Bạn bè, đồng nghiệp, sinh viên luôn dành cho thầy Nở một tình cảm trân trọng quý mến, bởi tác phong làm việc nghiêm túc, khả năng sáng tạo, sống chan hòa, bao dung với mọi người... Đặc biệt, tấm gương vượt khó của thầy làm nhiều người mến phục.

Hết mình với nghề

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nở trong một chuyến tập huấn tại Úc.

Từ năm 1997 đến nay, thầy Nở đã viết và tham gia biên soạn nhiều quyển sách đã được xuất bản, như: “Giáo trình Phong cách học tiếng Việt”; đồng chủ biên quyển “Hồ Biểu Chánh - người mở đường cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại”; đồng biên soạn quyển “Một số vấn đề ngôn ngữ, văn học và giảng dạy Ngữ văn”; thành viên biên soạn quyển “Văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long”. Riêng quyển “Biểu trưng trong tục ngữ người Việt” được NXB Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2010 là công trình luận án tiến sĩ của thầy Nở. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, thầy chỉnh sửa, dự thi và đạt giải Nhì B (không có giải Nhất) của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 2007. Công trình này được Chính phủ tài trợ xuất bản theo “Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam”. Bên cạnh đó, thầy Nở còn có 2 công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở là: “Thi pháp thể loại tục ngữ Việt Nam” và “Nghĩa biểu trưng của các loại hình ảnh trong tục ngữ Việt Nam”. Ngoài ra, thầy đã công bố 11 bài nghiên cứu đăng trong các kỷ yếu Hội thảo Ngôn ngữ học do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức; 35 bài trên các tạp chí chuyên ngành nhu: Ngôn ngữ, Từ điển học và Bách khoa thư, Ngôn ngữ và Đời sống, Nghiên cứu văn học, Văn hóa dân gian, Khoa học xã hội...

Năm 1985, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm Ngữ văn, thầy Nở được giữ lại trường giảng dạy và công tác cho đến nay. Năm 1997, thầy được phân công làm Tổ trưởng chuyên ngành Ngôn ngữ thuộc Bộ môn Ngữ văn. Năm 2007, thầy được đề bạt làm Trưởng Bộ môn Ngữ văn. Tháng 2-2008, thầy lấy bằng Tiến sĩ Ngữ văn và hơn 3 năm sau, tháng 11-2011, thầy được phong hàm Phó Giáo sư. Đầu tháng 5-2012, thầy tiếp tục được đề bạt làm Phó Trưởng khoa Sư phạm. Ngoài công tác giảng dạy, nghiên cứu, thầy Nở đã hướng dẫn 21 luận văn thạc sĩ, đa phần đề tài đều liên quan đến việc giảng dạy tiếng Việt, văn học ở trường THPT và tìm hiểu nghệ thuật ngôn từ trong tác phẩm văn chương, lĩnh vực mà mấy chục năm qua thầy dốc hết tâm sức theo đuổi. Thạc sĩ Nguyễn Thụy Thùy Dương, giảng viên Bộ môn Ngữ văn, Khoa Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ, kể: “Thầy luôn quan tâm, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để nhiều sinh viên, học viên và giảng viên trẻ tiến bộ và phát triển nghề nghiệp. Thầy rất say mê công việc, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tục ngữ, ngôn ngữ, văn học dân gian. Trước khi quyết định bất cứ việc gì liên quan đến tập thể, thầy thường tham khảo ý kiến đồng nghiệp nên tạo được sự đồng thuận, đoàn kết cao ở Bộ môn”.

Trụ với nghề cho đến nay, ngoài đam mê, nỗ lực, đối với thầy Nở, đó còn là cơ duyên. Tuổi thơ nghèo khó, không đủ tiền ăn học nhưng thầy vẫn nhín nhút, dành tiền thuê sách cũ về đọc, nuôi dưỡng và ấp ủ tình yêu văn học. Thầy vốn yêu thích môn văn và chỉ mơ ước trở thành giáo viên dạy văn. Tuổi thơ vất vả đã hình thành nơi thầy ý chí tự lập, vượt khó và chính sự động viên của người thân, thầy cô, bạn bè... đã tiếp sức, giúp thầy có thêm nghị lực, sự tự tin phấn đấu để đi đến tận cùng ước mơ của mình.

Hành trình vươn đến ước mơ

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nở, sinh năm 1960, ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Gia cảnh khó khăn, đông anh em nên con đường học vấn của thầy đầy trắc trở, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Suốt khoảng thời gian, từ năm học lớp 6 đến lớp 9, thầy Nở đã biết sắp xếp một buổi đi học, buổi còn lại đi bán cà rem kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sau ngày giải phóng đất nước, gia đình quá túng thiếu, thầy quyết định nghỉ học. Lúc này, thầy đã trở thành cậu bé bán cà rem “chuyên nghiệp”, bước chân không còn quanh quẩn ở bến xe, ngõ hẻm trong thị xã nữa, mà giong ruổi đến các xã ven biển Vàm Láng, Tân Thành (tỉnh Gò Công cũ, nay thuộc huyện Gò Công Đông, cách thị xã Gò Công khoảng 15 km) trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Một buổi chiều đầu tháng 8 năm 1975, trên đường đi bán từ Vàm Láng về, thầy tình cờ gặp người bạn học cùng lớp và được biết, dù không dự 6 tuần ôn tập do trường tổ chức, thầy cũng được phép dự thi. Nỗi khao khát đi học lại trỗi dậy, thầy làm hồ sơ dự thi, trúng tuyển và được xếp vào học lớp 10A1 (lúc bấy giờ, ban A thuộc ban Văn - Sử - Địa), Trường THPT Trương Định. Năm học lớp 10, thầy vẫn vừa học vừa tiếp tục nghề bán cà rem và năm lớp 11, thầy “nâng cấp” đạp xe ba gác chở mướn hàng hóa. Đến giờ, bạn bè vẫn không quên hình ảnh thầy Nở gầy nhom, da đen sạm, mồ hôi nhễ nhại, gồng mình trên xe ba gác chở vật dụng bán cà rem và lỉnh kỉnh đồ đạc, sách vở chứa trong chiếc thùng nhỏ. Thầy tranh thủ thời gian trống giữa những chuyến hàng để học bài, vì đến buổi tối, thầy đã mệt nhoài sau một ngày buôn bán vất vả và càng không thể tiếp thu bài dưới ánh đèn dầu leo lét và muỗi vo ve, vây kín xung quanh.

Năm thầy học lớp 11, gia đình liên tiếp gặp rủi ro, cảnh nhà vốn đã khó khăn lại càng thêm túng bấn. Nản chí, một lần nữa thầy quyết định nghỉ học. Cô chủ nhiệm biết chuyện, đến nhà phân tích thiệt hơn, động viên thầy Nở trở lại trường. Trong tác phẩm “Ngọn nến ấy mãi lung linh” đoạt giải khuyến khích cuộc thi viết ngắn “Ơn thầy” do báo Tuổi trẻ tổ chức năm 2002, thầy Nở viết: “Hai năm cuối thời trung học rồi cũng trôi nhanh. Nhưng chính thời gian ấy đã định hình và lớn dần trong tôi ước mơ về một ngày mai mà đường tôi đi sẽ là con đường dẫn đến mái trường, nơi cô đưa tôi trở lại và mong tôi tiếp bước”.

Sau khi tốt nghiệp THPT, không có điều kiện thi đại học, thầy Nở đăng ký tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Gần 3 năm cùng đồng đội khai hoang, đào kinh, xây dựng cuộc sống mới tại Nông trường Phú Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, thầy vẫn ấp ủ ước mơ vào đại học. Sau một ngày lao động mệt nhoài, thầy thường thức rất khuya bên ngọn đèn dầu tự chế để ôn bài (thầy ngồi trong mùng học bài, vì buổi tối ở nông trường rất nhiều muỗi và cái mùng dù có giặt nước kênh mỗi tuần cũng nhuộm màu đen rất đặc trưng của khói đèn). Năm 1981, thầy Nở thi đậu vào ngành Sư phạm Ngữ văn Trường Đại học Cần Thơ và sau khi tốt nghiệp được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Học đúng chuyên ngành yêu thích, làm việc đúng chuyên môn, được mọi người ủng hộ, sau nhiều năm nỗ lực, phấn đấu, thầy đã trở thành Phó Giáo sư, khi vừa bước qua tuổi 50. Tiến sĩ Trần Văn Minh, Trưởng bộ môn Ngữ văn, Khoa Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ, nói: “Thầy Nở sống giản dị, chân tình, hòa đồng, có trách nhiệm với công việc. Tấm gương vượt khó của thầy rất đáng khâm phục”.

Người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp của thầy Nở là Thạc sĩ Huỳnh Thị Lan Phương, vừa là vợ vừa là đồng nghiệp cùng Bộ môn sư phạm Ngữ Văn. Gần 20 năm qua, cô đã tình nguyện đứng phía sau chăm sóc chồng và hai con trai, luôn tạo điều kiện và động viên, chia sẻ để thầy yên tâm giảng dạy, nghiên cứu cũng như làm công tác quản lý. Nói về chồng, cô Phương xúc động kể: “Anh sống rất gương mẫu, mực thước, hiếu nghĩa với cha mẹ. Được cha dạy dỗ, uốn nắn, các con đều ý thức tự lập trong sinh hoạt, tự giác học tập và học giỏi”. Con trai lớn của thầy học Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, vừa đạt giải Nhì học sinh giỏi Anh văn cấp thành phố và đang chuẩn bị thi đại học. Con trai út học lớp 6 cũng chăm ngoan, học giỏi.

Nhắc đến gia đình, ánh mắt thầy Nở lấp lánh niềm vui viên mãn. Tin rằng, niềm vui hạnh phúc mãi đong đầy và luôn là động lực để thầy Nở chuyên tâm vào công tác chuyên môn, tiếp tục nghiên cứu ngôn ngữ, tìm ra cái hay, cái đẹp của ngôn từ trong tác phẩm văn chương nói chung, văn học dân gian nói riêng và hoàn thành tốt nhiệm vụ Phó Trưởng khoa vừa được đề bạt, thúc đẩy khoa và trường phát triển vững mạnh; góp phần cho sự nghiệp đào tạo giáo viên cũng như phát triển nguồn nhân lực ở ĐBSCL. 

Theo Báo Cần Thơ online ngày 12/06/2012

Khoa Sư Phạm -  Trường Đại học Cần Thơ.

Địa chỉ: Khu 2 Đại học Cần Thơ, đường 3/2, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Điện thoại & Fax: (0292)3830261.

Email: ksp@ctu.edu.vn.